Cách nấu mì quảng thơm ngon chuẩn vị từ A – Z

14588 Lượt xem

Mì Quảng gà là một trong những món ăn được xem là đặc sản miền Trung nhờ vào sự kết hoàn hảo của sợi mì dai mềm, thịt gà thơm ngon cùng với vị nước dùng đậm đà. Cùng Az Review vào bếp trổ tài nấu món kho này chiêu đãi cả nhà ngay nhé!

Món ăn được ví như “linh hồn” của nền ẩm thực Đà Nẵng, Quảng Nam chính là mì Quảng. Và nếu “trót yêu” sợi mì dai mềm, nước dùng đậm đà của mì Quảng, bạn có thể tự vào bếp để chế biến món ăn chuẩn vị miền Trung này.

Mì Quảng – Món ăn đặc sản Đà Nẵng, Quảng Nam

Nếu ai đã từng đặt chân đến Đà Nẵng, Quảng Nam thì nhất định không thể quên được một món ăn dân dã, bình dị của nơi đây – Đó là mì Quảng.

Sợi mì Quảng có độ dày 5 – 10mm, được làm từ bột gạo xay mịn với nước pha từ hạt dành dành và trứng. Trên lớp mì là thịt heo hoặc cá lóc, thịt gà, tôm, ếch, trứng cút luộc, chan nước dùng hầm từ xương heo. Ngoài ra, người ta còn bỏ thêm lạc rang, hành lá thái nhỏ, ớt đỏ, rau thơm,… lên trên tô mì để món ăn thêm tròn vị.

Dưới lớp mì là các loại rau sống như húng quế, giá trắng, rau mùi, xà lách tươi, cải non mới nụ, rau răm, hành hoa thái nhỏ và hoa chuối xắt mỏng. Khi ăn mì Quảng, bạn phải ăn cùng với ớt xanh to thì mới ngon chuẩn vị. Ngoài ra, mì còn được ăn kèm với bánh tráng mè và lạc rang giòn thơm, tạo hương vị đặc trưng cho món ăn xứ Quảng.

Cách nấu mì quảng

Hướng Dẫn Nấu Mì Quảng Siêu Ngon

1. Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Thịt ba chỉ: 600g
  • Tôm thẻ: 400g
  • Xương heo: 500g
  • Trứng cút: 30 quả
  • Sợi mì Quảng: 500g
  • Củ nén: 50g
  • Hành tím: 3 củ
  • Đậu phộng: 100g
  • Rau sống: bắp chuối, cải con, húng quế, húng lủi, giá đỗ
  • Nguyên liệu ăn kèm: chanh, ớt, hành ngò, bánh đa nướng
  • Gia vị nêm nếm: dầu đậu phộng, nước mắm, muối, đường, hạt nêm, bột nghệ, tiêu, bột ngọt, dầu điều

2. Quy trình nấu mì quảng chuẩn vị

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Tất cả nguyên liệu đều rửa sạch với nước muối pha loãng rồi để ráo.

Dùng kéo cắt bớt phần đầu và chân rồi bỏ phần chỉ lưng của tôm. Thịt ba chỉ và xương heo chần qua nước sôi, riêng thịt sẽ được cắt lát vừa ăn.

Các loại rau sống ăn kèm nên giữ lạnh để tươi ngon. Hành ngò cắt nhỏ, hành tím và củ nén dùng chày giã nhuyễn,
Trứng cút luộc chín, bóc vỏ; đậu phộng rang vàng, bỏ vỏ.

Bước 2: Nấu nước dùng và ướp gia vị

Tôm và thịt được để riêng trong 2 tô lớn, thêm muối, bột ngọt, tiêu, nước mắm, bột nghệ, dầu điều, củ nén và hành tím vào rồi trộn đều. Bạn sẽ ướp thịt và tôm khoảng 20 phút để thấm gia vị. Chuẩn bị một nồi chứa 3 lít nước, cho xương heo vào và đặt lên bếp để nấu nước dùng. Hầm với lửa nhỏ trong khoảng 40 phút, thỉnh thoảng vớt bọt giúp nước dùng trong hơn.

Bước 3: Xào nhân tôm thịt

Bắc chảo lên bếp, cho dầu phộng vào đun sôi (đến khi bốc khói) thì hạ nhỏ lửa lại. Đây là cách khử dầu đậu phộng. Khi dầu bớt nóng, cho tôm vào xào săn thì tiếp tục thêm thịt ba rọi và trứng cút vào xào. Trộn đều để gia vị hòa quyện, thêm hai chén nước dùng vào. Bạn nêm nếm gia vị vừa miệng và nấu thêm 15 phút với lửa vừa thì tắt bếp.

Bước 4: Trình bày và thưởng thức

Cho sợi mì quảng vào tô, thêm thịt, tôm, trứng lên phía trên, rưới một ít nước xào của phần nhân. Cuối cùng bạn chan nước dùng vừa đủ, xâm xấp mặt mì và thêm ít hành ngò, đậu phộng rang. Món ăn được dọn kèm cùng rau sống với bánh đa nướng.

Yêu cầu thành phẩm

Mì Quảng là món ăn đặc sản của người miền Trung nên vị đậm đà hơn bình thường, vì thế ăn cùng rau sống giúp cân bằng lại hương vị, không gây ngán. Nước dùng có vị ngọt thanh tự nhiên, tôm giòn giòn, thịt heo béo ngậy, ngấm gia vị. Ngoài ra, thực khách còn cảm nhận được hương thơm đặc trưng của dầu đậu phộng và củ nén.

Những lưu ý khi chế biến mì Quảng

Để món ăn thơm ngon, bạn cần lựa chọn các nguyên liệu như tôm, thịt thật tươi. Hãy chọn những con tôm còn sống, vỏ ngoài trong suốt và phần đuôi xếp lại. Nếu đuôi tôm xòe ra thì có thể đã bị bơm nước hoặc hóa chất. Còn thịt heo thì chọn những miếng có màu hồng, khô ráo, thịt có độ đàn hồi, không bị nhũn và đặc biệt không có mùi hôi, khó chịu. Tốt nhất bạn nên mua vào buổi sáng để thực phẩm còn tươi mới.

Nếu bạn hoặc người thân không ăn được tôm, thịt thì hãy bằng thịt bò, thịt gà, thịt ếch, cá lóc, lươn,… Các nguyên liệu này cũng rất phù hợp để làm mì Quảng, chỉ cần bạn chú ý ở khâu sơ chế kỹ lưỡng một chút.

Sợi mì Quảng ngoài màu trắng tự nhiên từ bột gạo thì hiện nay có thêm màu vàng từ bột nghệ và màu đỏ nhạt từ gạo lứt nhằm tăng thêm giá trị dinh dưỡng cho món ăn.

Khi ướp tôm bạn không nên dùng nước mắm vì sẽ làm tôm có mùi khai, không ngon.

Chần xương và thịt heo trước khi chế biến sẽ giúp loại bỏ sạch các chất bẩn và nước dùng trong hơn.

Khi xào nhân, bạn nhớ để tôm và thịt heo săn lại hãy cho nước dùng vào để không bị tanh.

Nếu bạn thích mùi thơm của củ nén thì có thể làm nén phi để ăn kèm. Cách làm khá đơn giản, làm nóng dầu đậu phộng rồi cho củ nén đập dập vào, thấy chuyển màu vàng nhạt thì tắt bếp.

Lời kết

Thơm ngon, đa dạng và đầy đủ dinh dưỡng là những gì chúng ta nhận thấy sau khi theo dõi bài viết hướng dẫn cách nấu mì Quảng. Hi vọng công thức này sẽ giúp bạn thành công ngay lần đầu vào bếp chế biến món ăn này. Theo dõi Az Review để bổ sung thêm nhiều bí quyết nấu ăn ngon nữa nhé!

5/5 - (3 bình chọn)

Bài viết liên quan